李永華 《Chân Trời Tím》 越南

        Trường  Dục  Đức.  Năm 1977 bức  hoành  “Tôn sư trọng đạo”   đã bị hạ xuống, đằng sau đó là bao nỗi buồn,  nước  mắt  tủi  hờn  nghẹn  đắng  được  nuốt vào trong. Mộng đẹp hoa niên giờ đã tan tành.  Tương lai trở thành mù mịt.  Một nỗi lo âu nặng nề bao trùm lên hết thảy chúng  ta.  Không  kịp  bước  qua  tuổi  hoa  niên  thơ mộng, chúng ta –  những đứa trẻ  – đã phải bước thẳng vào những nơm nớp lo toan của tuổi già!

        Lác đác đã có vài đứa vượt biên.  A Nhì, Nhữ Hải, A Bâu … là những đứa ra đi ngay đợt đầu tiên.  Rồi  cứ cách vài ngày lại vắng thêm vài đứa.  Đau  lắm.  Thuở  ấy ra đi có nghĩa là trọn kiếp sinh ly,  chẳng hy vọng gì có ngày đoàn viên. Vậy mà phải cắn răng đi trong lặng lẽ, chẳng dám thốt một lời chia tay bạn đồng môn.

        Bọn Ngũ quỷ tụi mình cũng bớt quậy  phá  các  bạn.  Không  hẹn  mà  nên,  năm thằng đều lặng thầm chia sẻ nỗi đau chung của toàn trường. Đến cả Lý Minh là thằng con nít hiếu động nhứt trong nhóm mà cũng trở thành điềm đạm. Nhiều lúc, mình bắt gặp nó đang ngồi lặng lẽ ứa nước mắt một mình,  cặp  kiếng cận hoen mờ cũng chẳng buồn lau.  Mình  ngồi  sát vai với nó,  nước mắt chảy dài ràn rụa chung với thằng bạn thân.  Đại  ka Vĩ càng lặng lẽ hơn ai hết.  Nó ngồi bên cửa sổ nghe nhạc,  mắt nhìn xa xăm.  Trong  cặp-táp  nó không có sách vở,  mà chỉ có cái máy cát-xét,  giọng ca ngọt ngào của ca sĩ Hương Lan vang lên nhè nhẹ:

                                “Anh hứa đưa em về nơi chân trời tím
                                  Nghe gió êm qua trái tim từng hoàng hôn
                                  Em chỉ muốn duyên tình hai chúng ta
                                  Như ánh sao, cao vút cao, xa trần gian… ”

        Ngoài cửa sổ lớp mình là sông  Đồng  Nai đang cau mày con sóng vỗ,  mây trời ngoài đó thênh thang bèo bọt,  mây về đâu vậy đại ka ơi! Khác với Lý Minh,  thay vì nhích vô sát nhau hơn, Vĩ lại xê ra, như khó chịu vì sự có mặt của mình: nó đang cần được ở một mình,  để tự mình đương đầu với trận cuồng phong của thời cuộc,   và … của tình ái!  Mình bỏ lên bàn trên ngồi với A Hoàng, thằng ku nhị ka này thì lại đang bày binh bố trận,  chơi ca-rô một mình.  Cả mầy nữa Hoàng ơi,  đừng hòng qua được mắt tao,  mầy  khoanh  khoanh gạch gạch lia  lịa, nhưng thỉnh thoảng cứ liếc qua bàn của  Hương,  trong ánh nhìn vụng trộm đong chứa bao đau xót kinh hoàng trước tang thương phù thế!

        Hết giờ ra chơi,  chuông reo vô học rồi,  mà chẳng đứa nào quan tâm.  Thậm chí khi thầy Minh vào lớp, thằng Vĩ cũng chẳng buồn đứng lên.

        “Giải phóng”,  trường mình chỉ còn được học Hoa văn hai tiết mỗi tuần,  tài liệu giáo khoa là cuốn sách mỏng te khoảng năm sáu chục trang.  Nói thiệt,  lúc  đó  mình cũng chán ngán quá rồi, không còn muốn hoc hành gì nữa.

        Mình ngứa miệng,  quay lại hỏi Vĩ :  Ê, lâu đài mà xây trên mây là sao mậy? Nó mà sập xuống là chết bà cố tổ…

        Thì tự dưng vành tai mình bị ai đó nắm kéo lên,  tưởng thằng Hoàng,  mình  tính quay lại cự, ai dè là thầy Minh,  thầy  đi xuống hồi nào mình không hay vậy cà!  Thầy hỏi về mấy câu thơ trong bài học thầy vừa giảng, mình lắc đầu làm thinh, không thèm trả lời. Thầy giận lắm,  mặt đỏ phừng phừng quát mắng liên hồi.  Thế là bao nhiêu uất ức dồn nén bấy lâu bỗng tuôn trào, mình òa khóc nức nở:

        – Không học nữa, không học nữa đâu, thầy ơi!

        Thầy Minh sửng sờ.  Cả  lớp  lặng  phắc. Trong  mắt  thầy chừng cũng long lanh ngấn lệ, thầy mấp máy môi định nói gì đó mà không thốt nên lời.  Đúng lúc đó,  tiếng hát Hương Lan ngân lên vang vang lồng lộng:

                                “Anh biết không em mơ về nơi chân trời tím
                                  Nghe đáy tim mơ ước khi ta tròn đôi… ”

        Ra là thằng Vĩ,  nó  đang khoanh tay nghiêng xuống mặt bàn nghe nhạc đến xuất thần.  Nảy  giờ nó vẫn không hay biết gì cả,  bị tiếng ồn ào chung quanh át đi,  nên nó vặn volume lên hết cỡ!  Thầy Minh  bảo  nó tắt cát-xét,  rồi trở lên bàn giáo viên ngồi thừ ra.  Xưa giờ,  đã có khi nào trong trường mình lại xảy ra cảnh học sinh ngỗ ngược như vầy chưa!

        Tiết học chấm dứt,  thầy chậm chạp bước ra cửa lớp,  lưng thầy như còng xuống. Hai đứa mình lên phòng giáo viên xin lỗi,  thầy  mệt mỏi khoát tay ra dấu lui  ra.  Tụi mình biết ơn thầy đã giấu nhẹm,  không cho Ban giám hiệu nhà trường biết về tội của hai thằng mình, nhưng tụi mình cũng không còn thấy niềm vui gì trong sự học.

        Tụi mình cứ ngày một héo hon, lớp học cứ teo dần đi.  Ngày người đẹp cùng mơ “Chân trời tím”  với Vĩ ra đi,  nó như thất thần,  trở thành một kẻ lặng câm.  Mình  cú đầu nó cái cốp, nó cũng trơ trơ ra, nhe răng cười như thằng khùng.

        Rồi nhóm Ngũ quỷ cũng phân ly.  Đầu tiên là Lý Minh,  rồi tới Hoàng.  Mà cũng ngộ, dạo đó, cứ thấy trong đám bạn, đứa nữ nào cắt ngắn tóc đi, hay nam sinh nào hớt tóc cao lên, là hôm sau đứa đó biến mất, cái đó như một quy ước ngầm với nhau, khỏi nói nhiều.

        Ngũ quỷ còn có ba thằng,  thành bộ tam  tài  xìu xìu  ển  ển, buồn đến độ sợ nhìn thấy nhau.  Phân ly nối tiếp phân ly,  không  có nơi nào trên thế gian lại có nhiều cuộc phân ly bằng ở miền Nam nước Việt  này!  Lộc,  rồi Sanh cũng biến mất.  Không  còn “tình địch”  nữa,  nhưng mình không hề thấy chút chi gọi là vui sướng. Đời có gì hay, khi ta không còn đối thủ?

        Rồi một ngày nọ,  Vĩ và Thành đến nhà tìm mình trên chiếc mini màu vàng quen thuộc.  Vĩ hất hàm,  nghênh nghênh:  “Ê,  đi uống nước chơi mầy, Khỉ già!”  Nhìn cái đầu húi cao lạ hoắc của thằng Vĩ,  mình hiểu chuyện gì sắp đến,  lúi húi đi theo tụi nó.

        Ba thằng lòng vòng ra chợ, nhìn lại ngôi trường Dục Đức,  lần theo Dốc Sỏi, đảo qua rạp Khánh Hưng,  rồi vòng lên Hãng Dầu để ngó qua  Phụng Sơn Tự, rạp Lido … Ngồi trong quán cà phê,  châm  lên  điếu thuốc,  chuyền  tay nhau ba thằng hút chung. Xong rồi giải tán,  con ai  về  nhà  nấy,  chẳng đứa nào nói được câu gì.  Trái  tim  của mình,  một thằng nhóc 15 tuổi đã thành chai sạn,  không  còn  biết  đau  đớn vì ly biệt nữa.

        Vĩ ơi, mày hãy đi đi ơi,  hãy đi tìm “Chân trời tím”!  Nhất định phải có một chốn nào đó dung nạp lũ chúng ta!

        Nơi nào giang tay chào đón bọn mình,  đó  sẽ là quê hương;  còn ở đây,  chỉ  còn ngọn lửa đốt thành Hàm Đan!

                                “Anh từ lửa khói quê hương
                                  Đường hun hút biên cương
                                  Một mình ngắm trăng suông
                                  Em về bên ấy thương mong
                                  Từng chiều rớt bên sông
                                  Ta có mơ gì không? ”

* ‘’Ngọn lửa Hàm Đan‘’  chính là ngọn lửa mà  Sở  Bá  Vương  hạng  võ  đã đốt kinh thành Hàm Đan của nhà Tần 3 tháng trời chưa tắt.

Lý Vỉnh Huê - Vietnam

Viết thư cho Lý Vỉnh Huê, xin nhấn vào ĐÂY.
 
Copyright © 2008-2019 www.ducducbienhoa.com. All Rights Reserved.