鄧永榮 《Tìm về Kỷ Niệm》 美國

        Mỗi khi tình cờ xem lại tấm ảnh trắng đen chụp ngôi trường Trung Tiểu Học Dục Đức (育德中学) thân yêu ngày nào, bao nhiêu kỷ niệm ngọt ngào chợt trở về trong trí nhớ với những tháng ngày xưa khi còn là một học sinh vô tư. Từng khuôn mặt của các thầy cô, bạn học cùng lớp,  cùng trường, của một đoạn đời xanh xuân êm đềm lần lượt hiện ra trong trí nhớ, như những tấm ảnh trong một cuốn album. Người viết xin ghi lại nơi đây một vài kỷ niệm không quên của thời còn là một học sinh Trường Dục-Đức.

        Nếu mình nhớ không lầm là vào năm đang học lớp ba ( 三年级 ),   lúc  đó là năm 1969,  công trình xây cất ngôi trường mới sắp hoàn thành,  vì thế vào đầu năm học lớp tư  ( 四年级 ),   chúng tôi đã được hân hạnh ngồi trong lớp học mới,  với mùi xi măng, mùi  vôi  tường  và  bàn  ghế  học vẫn còn phản phất trong bầu không khí của niên học mới.  Tất  cả  các học sinh đều cảm thấy phấn khởi,  vui  tươi với ngôi trường mới xây cất. Đây là một sự hãnh diện của người Hoa Kiều tại Thành phố Biên Hòa, nó nói  lên sự thành công, ý chí phấn đấu vươn lên, đức tính chăm chỉ và tinh thần đoàn kết, cũng như lòng tin tưởng vào một tương lai tươi sáng cho thế hệ trẻ trong  cộng  đồng  người Hoa sinh sống tại Việt Nam.

        Ngày  tháng trôi qua thật nhanh với những bận rộn học hành của đời học sinh cho đến năm chúng tôi lên lớp sáu  ( 六年级 ). Năm học ấy đối với tôi và các bạn cùng lớp là một năm đặc biệt vì chúng tôi sẽ thi tốt nghiệp bậc tiểu học (小學畢業),  một ngõ rẽ đưa chúng tôi bước vào một cuộc hành trình mới: bước vào bậc  trung học.  Chúng  tôi cảm thấy mình lớn hẳn lên,   nhất là các nam sinh,  vì  chúng tôi sẽ mặc đồng phục với quần xanh dài,  thay  vì chiếc quần ngắn của học sinh bậc tiểu học.  Tuy  không  nói ra, nhưng  trong  lòng đám nam sinh chúng tôi cảm thấy một sự hãnh  diện,  một vẻ tự đắc “ta đây”, vì khi lên lớp bảy (初中一),  chúng tôi sẽ trở thành đám đàn anh,  đàn chị của các lớp tiểu  học.  Nhưng  vào  chúng tôi tốt nghiệp lớp sáu, năm ấy là năm 1972, trong biến cố  “Mùa Hè Đỏ Lửa”,  Miền Nam Việt Nam đang rơi vào những cuộc chiến khốc liệt,  bộ đội  Bắc Việt  đồng loạt tấn công qui mô vào nhiều thành phố Miền Nam.  Bầu không khí nặng nề đầy đe dọa của chiến tranh, chết chóc, tàn phá và bất an đè nặng lên đời sống của người dân  Miền Nam.  Chúng tôi dự lễ mãn khóa một cách đơn giản trên tầng lầu cuối cùng của nhà  trường,  thường  được  gọi là lầu thượng,  nơi  có  khán đài hành lễ và văn  nghệ.  Nhóm  bạn chúng tôi ban đầu dự định tổ chức buổi đi chơi xa để mừng lễ tốt nghiệp, nhưng vì tình hình an ninh không cho phép, nên  đành ở nhà và chỉ tổ chức buổi tiệc nhỏ.

        Năm lên lớp bảy, thì các lớp bậc trung học cho đến lớp chín (初中三) , nằm ở dãy lầu phía bên phải của nhà trường nếu nhìn từ hướng đối diện trường. Từ các cửa sổ của lớp học, có thể nhìn thấy một phần khu chợ Biên Hòa và dòng sông Đồng Nai trôi lững lờ phía  dưới,  xa  tí  nữa  là  cây  Cầu  Mới  nằm xuổi dài dắt qua hai bên bờ sông. Vào những buổi chiều tà có thể chiêm ngắm mặt trời chiều êm ả chìm xuống ở cuối phương trời xa  xa.  Theo  lời  đề  nghị của giáo sư chủ nhiệm,  chúng tôi chọn một tên riêng và huy hiệu cho lớp mình:  “ 曙光班 ”  (Bình Minh)  và cho đến bây giờ, các cựu học sinh lớp chúng  tôi  vẫn  còn hãnh diện nhắc đến tên đó.  Cái  tên thân yêu ấy là một sợi dây nối kết bọn chúng tôi,  nó nhắc chúng tôi nhớ đến nhiều biến cố vui  buồn,  đưa  chúng tôi trở về với những kỷ niệm không quên. Các học sinh trung học được các giáo sư chủ nhiệm khuyến khích gia nhập ban trật tự của nhà trường (站崗).  Các trật tự viên mang một khăn choàng cổ màu xanh có viền  trắng,  còn  các  anh  chị  trưởng  ban trật tự thì mang khăn màu đỏ có  viền  trắng.  Nhiệm vụ thật  đơn giản :  giữ gìn trật tự trong sân  chơi,  trên các hành lang và trong các lớp học trong các giờ giải lao giữa  các  tiết  học. Thêm vào đó,  nhóm  trật  tự  còn có nhiệm vụ giúp các em học sinh an toàn băng sang các con lộ lớn trên đường tan học về  nhà.  Tôi  không  bao giờ quên các lời khen  ngợi của các giáo sư dạy  Việt ngữ rằng Trường Dục-Đức có tổ chức chu đáo và kỷ luật nhất trong các trường trung học tại Thành Phố Biên Hòa.       

         Đối với bọn nam sinh đầy năng động,  ngoài việc học ra,  có  những chương trình tranh đua thể thao là khiến chúng tôi háo hức nhất.  Mỗi  năm,  nhà  trường  thường  tổ chức những trò chơi và một giải vô địch bóng rổ dành cho các lớp bậc  trung  học.  Bầu không khí trong trường bổng sôi động hẳn lên,  với  những cuộc tranh  tài,  đọ  sức  vui nhộn.  Cho  nên,  ngoài giờ học ra,  bọn  nam sinh chúng tôi dành thời gian để tập dược thể thao,  cố  gắng đạt cho được chức vô địch bóng rổ,  vì thế,  một  luồng sinh khí mới như thổi vào đời sống học trò mỗi ngày dùi đầu vào đống sách vở trước mặt.

          Thời gian lại bình thản đi qua,  rồi chúng tôi lên lớp chín  ( 中三 ).  Sau một năm học bận rộn đầy  vất  vả,  với  những  kỳ thi gay go để qua cuộc thi mãn khóa bậc trung học cấp I.  Năm ấy là năm 1975,  một năm lịch sử mà không người Việt Nam nào quên được.  Chúng  tôi  thi  ra trường sớm hơn hạn định vì tình hình an ninh và chiến sự đến hồi quá gay go và khốc liệt.  Vận  mạng  Miền  Nam  Cộng Hòa  đang treo trên sợi chỉ. Người dân sống trong tâm trạng phập phồng, lo âu. Chúng tôi thi đỗ trung học đệ I cấp (小學畢業), trong lòng mỗi người lúc ấy đã có một hoạch định cho năm học tới và một vài hoạch định cho tương lai.  Nhưng  rồi  nỗi ưu tư và bất định lùa vào lòng chúng tôi, cùng với luồng gió chiến tranh càng ngày càng trở nên đe dọa và kề cận  hơn.  Có  một vài người bạn buộc miệng bảo rằng lớp chúng tôi không được may mắn lắm,  vì đã hai lần thi tốt nghiệp thì đều nhằm vào lúc chiến sự cực kỳ sôi  động,  khiến  chúng  tôi  bị phân tán trong việc học và không có dịp để tổ chức buổi lễ ra trường một cách long trọng.

        Thế rồi biến cố ngày  30 tháng  4 năm  1975 đi vào đời bọn chúng tôi như cơn gió lốc cuống bay những tờ giấy trắng học sinh.  Chúng  tôi có cảm tưởng như bị cuốn bay tung lên trời cao, lảo đảo, bất lực trong cơn gió lốc điên cuồng.  Chúng tôi không được học lớp 10 (高中一)  trong  Trường  Dục-Đức,  vì chính quyền Cộng Sản ra lệnh trưng thu và cấm không được dạy tiếng Hoa.  Chúng tôi vì thế đành ghi danh học tại Trường Trung  Học  Ngô  Quyền,  bước  vào  một môi trường mới mẻ mà  chúng tôi trước đây chưa từng nghĩ đến.  Mỗi lần đi ngang qua ngôi  trường củ,   nhớ lại những tháng ngày còn học trong trường,  với bao nhiêu  thầy cô,  bạn bè thân yêu và những  kỷ niệm khó quên, mà lòng bổng thấy se thắt lại. Một thế giới đầy yêu thương đã bị cướp mất đi.

        Dựa  theo thông tin của một bạn học  Dục  Đức  mới vừa sang  Mỹ  năm  nay,  thì Trường Dục Đức năm 1975 bị chính quyền Cộng Sản đóng cửa, nhưng vài năm sau thì được mở cửa lại,  nhưng chỉ dạy tiếng  Việt và lấy tên là  Trường  Trung tiểu học Hùng Vương.  Năm 2004, chính quyền thành phố bắt đầu san bằng trường, để xây dựng ngôi chợ Biên Hòa,  công trình nầy kéo dài cho đến năm 2008,  thì khu chợ Biên Hòa thành hình, ngay trên vị trí trước kia là Trường Dục Đức.

        Bây giờ nhiều cựu học sinh  Dục-Đức  đang sống ở nước ngoài,  đa  số đã định cư tại Mỹ. Tôi có thể mường tượng ra trước mắt cảnh một thân cây nằm cạnh bờ sông, các chiếc lá của nó bị cơn gió lớn thổi rơi rụng xuống lòng sông, để rồi dòng nước chảy vô tình,  đưa  bao chiếc lá đến những phương trời xa  lạ,  để  lại sau lưng thân cây già đơn độc.

         Nếu chúng ta nhân cách hóa ngôi Trường Dục Đức, như một người mẹ hiền, nhìn thấy đàn con được giáo dục khôn lớn,  thành  những con người tốt lành,  hẳn  người mẹ hài lòng lắm và nghĩ rằng mẹ đã chu toàn bổn phận của người mẹ hiền. Rồi thì nay mẹ đã già và không còn hiện diện trên cuộc đời nửa, nhưng nhìn thấy những người con giờ đây đã tản mác khắp bốn phương trời, có nhiều người thành công trên đường đời, công danh sáng lạng, mẹ vui lòng và hãnh viện lắm.  Còn những người con trường Dục Đức, dầu ở phương trời nào, vẫn không quên ngôi trường mẹ, nơi đã được dưỡng dục từ tuổi thơ ngây, nơi những kỷ niệm của năm tháng học hành đã  ghi  sâu  vào  đời.  Chúng  ta  nhắc  lại ngôi trưởng củ với tâm tình yêu thương và biết ơn,  và với niềm hãnh  diện  là con cái của trường  Dục  Đức.  Đó  chính  là sợi dây tinh thần liên kết các cựu học sinh Dục Đức lại với nhau,  cùng  nhau  hướng về trường mẹ để luôn cố sống theo tinh thần đạo đức mà chúng ta đã được dạy dỗ và phát huy cho thế hệ con  cháu  chúng  ta.  Mỗi khi chúng ta nhìn lại tấm ảnh năm nào của trường  Dục Đức  thân yêu,  chúng ta có thể nói khe khẻ trong miệng, trong tim:  “ 育德中學,  we love you“,  như mỗi khi chúng ta nhớ đến người mẹ ruột của mình.  Và  nhớ đến những thầy cô thân yêu đã từng tận tâm dạy dỗ chúng ta nên người, chúng ta biết ơn các vị ấy.


Đặng Quân, Califoria, tháng 12 năm 2011

Viết thư cho Đặng Quân, xin nhấn vào ĐÂY.

 
Copyright © 2008-2019 www.ducducbienhoa.com. All Rights Reserved.