鄧永榮 《Một Lần Viếng Thăm Trường Xưa》 美國

        Vinh bước xuống chiếc xe Honda ôm, anh móc túi lấy tiền trả cho người tài xế, khe khẻ một lời cám ơn và ra dấu không lấy tiền thối lại.  Anh  đứng yên lặng trên lề đường, mắt anh đang nhìn chằm chặp vào tòa nhà bốn tầng trước mắt.  Một cảm xúc mạnh chợt  dâng trào trong lòng  ngực,  anh  cảm  thấy như có một lớp sóng nước mặn đang kéo lên trên đến tận cổ họng, khiến anh cảm thấy khó thở.  Tim anh đập mạnh hơn bình thường, các ngón tay cũng động đậy như đang đùa giỡn với nhau.

        Ngôi trường thân yêu ngày xưa,  “Trường Trung Tiểu Học Dục Đức”,  đang hiện ra trước mắt anh. Anh nhắm mắt lại, cố gắng hình dung ra những hình ảnh,  những kỹ niệm của những tháng ngày xa xưa cắp sách đến trường. Con đường từ nhà đến trường, những buổi sáng mai đi học và những giờ tan trường về nhà.  Từng nhóm học sinh lũ lượt bước vào cổng trường.  Những người  bán hàng rong trước cửa trường,  rung rung cái chuông  nhỏ  để  rao  hàng  mời  khách.  Tiếng  máy xe lam nổ ròn rã.  Tiếng  người nói cười họp thành một quang cảnh  nhộn  nhịp,  vui tươi của một trường học.  Anh  mở mắt ra,  ngôi  trường bây giờ vắng lặng.  Cổng trường đóng kín.  Cánh  cửa sắt màu xanh nước biển đã nhạt màu sơn,  lốm  đốm những vết rỉ xét và những lằn gạch trầy trụa.  Không thấy ai lai vãng trước cổng trường,  ngoại  trừ  những  người đi chợ và các xe chở các hàng hóa vào chợ. Nước vôi sơn trên dãy tường và trên mặt tiền của trường cũng nhạt màu sơn như cái cổng sắt, khiến cho người nhìn có ý nghĩ là ngôi trường nầy đã bỏ phế từ lâu.Vinh ngước mắt nhìn lên tấm bản hiệu trên cổng vào,  mấy  hàng  chữ màu trắng trên nền màu  xanh: “Trường Trung Học Cơ Sở Hùng Vương.”  thay vào hàng chử  Trường  Trung Tiểu  Học Dục Đức ngày xưa thời anh còn đi học. Nhưng phía trong cổng trường, trước mặt tiền có hàng  chữ  Hoa  “育德中學”  khắc  nổi lên trên tấm bia xi-măng dựng đứng trên mặt tiền của trường vẫn còn nguyên vẹn như ngày xưa.

        Hôm nay,  một buổi sáng sớm mùa hè của năm  2002,  anh đột nhiên có mặt tại đây, đứng trước ngôi trường củ sau bao nhiêu năm xa cách. Hồi hộp,  xúc động chi lạ! Anh ra đi,  bao  năm  sống tại nước ngoài,  đi qua nhiều nơi chốn,  bây giờ trở về đây,  nhìn ngôi trường  xưa vẫn đứng yên  nguyên vẹn trên nền đất,  cao  ngạo  thách  thức với thời gian, với những thách đố và những cuộc đổi đời.  Nó  vẫn  đứng  yên đó trung thành với chính mình,  như lúc nào cũng chờ  đón  những  đứa con học sinh ngày xưa trở lại  thăm mình. Vinh  bổng có một quyết định táo bạo:  “Đi vào bên trong thăm trường củ.”  Anh  thò tay vào trong cái túi nhỏ đeo trên vai,  lấy  ra cái máy  Digital  Camera  Canon,  chụp vội vài tấm ảnh toàn diện ngôi trường,  rồi nhìn quanh, không thấy xe,  băng sang đường và đến trước chiếc cổng sắt đóng kín.  Tim anh đập mạnh, hồi hộp quá!  Không  biết có nên vào trong  trường  không,  hay  nên  bỏ về?  Cuối cùng,  anh  đưa  nắm  tay đập lên chiếc cửa sắc, một lần, hai lần, ba lần,  rồi chờ đợi.  Không thấy ai ra mở cửa,  Vinh  đập  thêm  hai lần nửa,  thì cánh cửa sắt cót két chầm chậm  mở  ra,  chừa  một  khoảng trống vừa đủ để một người bước qua.  Một  người  đàn ông tuổi trên dưới  năm  mươi,  nước  da mặt sạm nắng,  mặc  một  chiếc  áo sơ mi màu trắng và chiếc quần ka ki màu xanh  đậm xuất hiện giữa khoảng cửa.

        “Ông tìm ai?” Hắn hất mặt hỏi, vẻ mặt cau có, rồi nhìn Vinh từ đầu đến chân.
 
        “Dạ  thưa ông,  tôi là một học sinh củ của trường nầy.  Tôi sống ở nước ngoài nhiều năm,  hôm nay,  có  dịp về thăm bà con và sẵn cơ hội,  tôi đến thăm trường xưa. Tôi có ý muốn vào bên trong trường để tham quan một tí.”  Vinh  ôn tồn trả lời và mỉm cười ra vẻ thân mật.

        “Trường bây giờ đã chính thức đóng cửa và không còn hoạt động gì nữa.  Không có ai ở đây hết,  không có chi để ông tham quan,  thôi ông về đi.”  Hắn  trả lời cộc lốc, định kéo cánh cổng lại.

        Vinh vội đưa tay chặn lại,  anh  năn  nỉ:  “Xin  ông thông cảm cho, ông cho phép tôi vào trong thăm trường một tí thôi, thì tôi ra về ngay.  Tôi  hứa  sẽ  không  làm  phiền ông đâu.” Anh vội móc bóp lấy ra một tờ giấy 50.000 đồng tiền Việt Nam,  dúi vào tay người đàn ông.  “Tôi có một món quà nhỏ biếu ông uống cà phê.”  Người  đàn ông nhìn tờ giấy bạc trong tay rồi nhìn Vinh chăm chăm, như đang chờ đợi gì đó. Vinh lại móc bóp, lấy ra tờ giấy bạc 100.000 đồng, dúi vào tay hắn: “Xin ông làm ơn giúp cho, cám ơn ông nhiều lắm.” Người đàn ông nhét hai tờ giấy bạc vào trong quần rồi nói như ra lệnh:  “Được rồi, tôi cho ông vào,  nhưng tôi chỉ cho ông có 10 phút thôi nhé, sau đó tôi sẽ khóa cửa lại, vì tôi không được phép cho người lạ vào đây!”  Vinh  năn nỉ:”  Ông  làm ơn cho tôi 15 phút đi,   tôi sẽ tham quan nhanh và đi về.  hứa là sẽ không làm cái gì gây phiền phức cho ông đâu.” Hắn nói: “Thôi được rồi, tôi cho ông 15 phút, nhưng tôi cấm ông không được chụp hình, chụp ảnh chi hết. Tôi sẽ theo dõi ông đó nhé. Thôi ông bước vào đi và nhanh lên.”

        Vinh lách người bước vào trong sân trường.  Toàn  cảnh  trường hiện ra nguyên vẹn trước mắt anh,  như  tấm  màng sân khấu vừa mở rộng ra cho các khán giả.  Bốn tầng lầu im lặng đứng trước mắt anh.  Cái sân bóng rổ vẫn như ngày xưa,  nhưng  nền xi măng đã phai củ đi, có nhiều vết nức và có những lổ nhỏ trên mặt đất. Những ý nghĩ nhanh chóng hiện ra trong trí nhớ.  Anh  nhớ  đến  những  giờ  thể  dục  chơi bóng rổ với các bạn cùng lớp,  rồi  nhảy  dây,  chạy  đua,  rồi  những  lần  tranh  giải thể thao bóng rổ toàn trường.  Những  buổi  trực giữ trật tự trong giờ chơi của các em nhỏ … và nhất là giờ tan trường,  khi tất cả học sinh xếp hàng theo từng lớp trong sân trường trước khi ra về. Lúc đó, Thầy hiệu trưởng hay thầy quản nhiệm trường có đôi lời nhắn nhủ hay cảnh cáo những sai trái của một số học sinh.  Tất  cả  các  sinh hoạt chính của nhà trường đều diễn ra tại sân nấy. Cái sân bóng rổ như một vòng tay êm ái của người mẹ,  ôm  ấp  đời  sống  đầy náo động của  ngôi  trường  nhỏ  bé.  Vinh  mỉm  cười  nhớ đến có  một  lần anh bị thầy giám quản trường  khiển trách và bị kêu tên lên đứng giữa bụt gổ trước mắt mọi học sinh.  Quê  quá là quê!
 
        Vinh  bước  đến  thang  lầu bên phía góc tay trái để dẫn lên tầng trên.  Anh  nhớ đến ông già gác gian nhỏ con,  gầy  ốm,  lưng khòm khòm,  luôn mặc chiếc quần đùi rộng và cái áo thung trắng, lúc nào cũng bực mình, la hét,  cau có với các học sinh, nhất là những anh chàng nào mà lì lợm, phá phách. Cái góc nhỏ nằm bên cạnh lối đi lên thang lầu được dùng làm nơi nghỉ ngơi và ăn uống của ông.  Một cái ghế bố nhỏ, một cái tủ sắc, một vài cái thùng cạc-tông, một số ly chén, muỗng đĩa,  và một số vật dụng cá nhân của ông.  Đó là cái thế giới nhỏ bé của ông.  Ông có người con gái cũng phụ giúp trong việc quét dọn, làm vệ sinh các nhà cầu. Thỉnh thoảng Vinh bắt gặp hai cha con cải vả nhau, nhưng cũng có những lúc hai cha con nói chuyện cười đùa với nhau.  Vinh mường tượng ra cảnh ông già gác gian đang cầm cây chổi quét nhà, đi chầm chậm vào cuối hành lang vắng vẻ phía dưới kia,  nơi đó có lẽ là phòng học của các lớp 1 và 2,  nhưng anh không nhớ chắc chắn lắm. Anh lắc đầu, đọc khe khẻ trong miệng hai câu thơ:

        “Những người muôn năm củ, hồn ở đâu bây giờ!”

        Anh vội bước lên những bậc thang đầu tiên để lên tầng lầu thứ nhất. Quả như người đàng ông khi nảy nói,  ngôi  trường hoàn toàn vắng lặng,  không  một tiếng  động, không một bóng người.  Anh chỉ nghe tiếng bước chân nhè nhẹ của mình trên những bậc thang. Vừa đến bậc thang cuối cùng,  Vinh dừng lại,  anh nghiêng đầu về phía tay trái, nhìn dãy lớp học im lìm, mà khi xưa,  đó  là phòng học của những lớp 3 và 4.  Không  có  gì  thay đổi, các lớp hoc vẫn ở vị trí củ như trước kia. Cái phòng lớn sát bên thang lầu được dùng làm văn phòng của các thầy cô.  Mỗi  thầy cô đều có một cái bàn làm việc riêng.  Nhưng bây giờ phòng nầy đang được chất đầy những bàn ghế, các thùng cạch tông lớn và nhiều thứ đồ vật linh tinh khác,  mọi  thứ  để thật ngổn ngan,  hỗn  độn.  Không muốn mất thời gian ngắn ngủi,  quý giá.  Vinh tiếp tục bước lên tầng thứ 2. Tầng nầy vẫn như ngày xưa, các lớp học vẫn ở vị trí củ, không có gì thay đổi hết. Tầng nầy gồm những lớp 5,6,7,8 và 9.  Nhìn  thẳng về phía cái lớp học nằm cuối trên hành lang phía tay phải,  gần  cái thang lầu.  Đó là lớp 9,  là năm cuối cùng anh học tại trường nầy.  Đó là  năm 1975,  Việt  Nam Cộng Hòa thất trận.  Anh còn nhớ năm ấy, anh cũng như các bạn học cùng lớp mang tâm trạng  lo  âu,  bất  an,  vì  những  biến động của cuộc chiến và chính trị.  Anh  đứng  lặng người,  mắt mở trao tráo nhìn về phía lớp 9,  cố  gắng tập trung ký ức để ôn lại những kỷ niệm xa xưa năm ấy.  Đó là năm học tốt nghiệp trung học cấp 2.  Mỗi  học  sinh  ai  cũng đều cố gắng dồn hết thời gian và tâm trí vào việc học,  nên mọi người trông bận rộn lắm. Vì là năm học cuối cùng,  nên các bạn muốn tạo ra nhiều dịp để vui chơi, những cuộc du ngoạn nhỏ,  những  buổi  tiệc  sinh  nhật,  rồi  tiệc  liên  hoan  Giáng  Sinh,  Tết  Tây, Tết Nguyên Đán … Các bạn như muốn níu kéo lại những tháng ngày học sinh êm đẹp và vui tươi,  mà  ai cũng thầm hiểu rằng nó sẽ không trở lại nữa.  Sống  đầy đủ cho những ngày ấy, để nó trở thành những kỷ niệm hạnh phúc, không phai tàn trong trí nhớ.

        Vinh khẻ  chắc lưỡi một cái,  như  vẫn còn luyến tiếc những ngày tháng không quên đó.  Anh lại bước lên tầng thứ ba,  các phòng của tầng nầy ngày xưa là các phòng nội trú dành cho các thầy cô ở xa đến dạy và một vài học sinh ở xa nội trú.  Các  phòng nầy như xưa, chỉ có lớp nước sơn đã phai nhạt và lốm đốm những vết dơ trây trét trên tường. Anh bước lên tầng lầu thứ tư, là tầng trên cùng nhất của trường.  Ngày xưa mọi người đều gọi nó là sân thượng hay 禮堂,  lễ đài.  Tầng nầy bây giờ trống rổng, một số rác rến, bao bịp ni-lông nằm bừa bãi trên sàn nhà.  Cái  kháng đài nhỏ vẫn còn đó,  vẫn nằm ở vị  trí  củ,  nhưng  bây  giờ  được  trang  trí  một  cách sơ sài,  với  những  biểu  ngữ  bằng  dãi  màu đỏ,  tuyên truyền cho Đãng và Nhà Nước.

        Vinh bước đến bờ tường hành lang,  hướng  mắt  nhìn về phía tay phải.  Dòng  sông Đồng Nai vẫn hiền lành,  thanh thản chảy chầm chậm một cách vô tư lự,  như cô thôn nữ nào đó ngây thơ,  hồn nhiên dảo bộ trên con đường  làng  quê.  Con  sông  nầy, ngày xưa thật quen thuộc đối với anh,  anh  yêu  mến  và  xem nó như một người anh em trong gia đình. Mỗi khi đi ngang qua, nhìn dòng sông, anh luôn múc từ nó một sự thương yêu, trìu mến.  Đã  bao  nhiêu  lần anh và mấy thằng bạn nhóc tì  cùng  xóm,  vui đùa tắm bơi trên sông.  Bao  nhiêu  kỹ  niệm  ngọt  ngào,  khó  quên  đã  in  bóng  trên  con  sông  nầy.  Nhưng  không hiểu sao hôm nay,  Vinh nhìn nó và thấy nó thật xa lạ,  lạnh lùng quá!  Nó không còn thuộc về của anh nửa.  Nó  thuộc về một người nào đó rồi!  Xa mặt cách lòng chăng?  Còn cái cồn lao nho nhỏ nằm ở giữa sông khi xưa, nơi xưa kia đã có một vài gia đình ngư phủ sinh sống, bây giờ đã biến mất, không còn để lại một dấu vết gì hết. Xa xa là cây cầu mới,  nằm  trải  dài trên dòng sông như một con rắn khổng lồ,  đang  tắm  ánh  nắng ban mai,  mà  giờ  nầy  đã  dập  dìu xe cộ qua lại. Anh thấy một chiếc ghe nhỏ đang đưa một số người sang bên kia bờ sông, mà anh còn nhớ bên ấy là Ấp Tân Hạnh.

        Vinh móc trong túi quần ra bao thuốc lá hiệu ba  số  5.  Anh  móc  ra  một  điếu,  rồi châm lửa đốt,  chậm rải thả ra từng đóm khói nhỏ.  Anh  bỏ  thuốc  lá  đã  lâu rồi,  nhưng không  hiểu  tại  sao chuyến đi về thăm quê nhà, đã đem đến cho anh quá nhiều cảm xúc, nhiều rung động mạnh mẽ trong lòng,  mà  anh  không  thể  nào chế ngự  nổi. Anh có cái cảm giác của người say rượu, mọi sự xung quanh như lờ mờ không thực. Anh không biết phải diễn tả những tâm tình đó như thế nào. Anh như sống trong một giấc mơ, sống giữa mộng và thật,  nữa thật,  nửa ảo.  Giữa  quá khứ và hiện tại,  giữa những gì còn tồn tại và những gì đã mãi mãi mất đi.  Giữa rung động,  xúc  cảm và lạnh lùng,  vô cảm giác.  Bây giờ anh đứng đây,  với  những  xúc  động  dâng  cao,  phải  dùng  điếu thuốc lá để trấn áp những rung cảm đó.  Anh  lại  hút  mạnh một hơi, nhìn  khói thuốc trắng bay tan ra trong không khí. Anh nhớ đến bài hát nào đó có câu:

        “Nhớ nhà châm điếu thuốc, khói huyền bay lên mây!”

        Cái khán đài nhỏ kia,  anh còn nhớ, ngày xưa là nơi dung để các học sinh trình diễn văn nghệ trong những lễ lạc lớn,  hay  trong  những  cuộc thi tranh tài ca hát của các lớp. Anh còn nhớ có những lần trình diễn ca nhạt hay khiêu vũ của trường. Các lớp ra sức trổ tài trình diễn để đạt giải thưởng.  Cái  bầu  không  khí  vui  nhộn  và  háo hức đó vẫn còn vang âm hưởng trong lòng anh.  Có đôi lần cả lớp anh lên khán đài trình diễn,  đứng trên khán đài nhìn xuống thấy bao nhiêu con mắt đang nhìn chăm chăm về hướng  mình,  anh cảm thấy mất tự nhiên, hơi run lên.  Vinh  cố  găng  nhớ  lại  từng khuôn  mặt của những người bạn học năm xưa,  anh  đang  tưởng  tượng  ra  cảnh anh và các bạn đang đứng hát trên sân khấu đó.  Thời  đó,  sao  bọn anh hồn nhiên quá?  Đột  nhiên,  anh  thấy  nhớ  và thương mến các bạn ngày xưa, mọi người bổng trở nên dể thương, tuyệt vời. Anh ước gì họ chợt hiện ra trước mắt anh để anh tay bắt mặt mừng.  Nhưng  bây  giờ mỗi người mỗi ngả,  tản lạc ở khắp phương trời. Ai cũng đều có gia đình, có cuộc sống riêng, và có một cái thế giới nhỏ cho chính mình, mà người khác không xen vào được.  Các  thầy cô ngày xưa cũng vậy, có người còn sống, có người đã qua đời,  cũng lưu lạc những nơi chốn nào đó,  cũng bị cuốn trôi theo dòng đời,  chảy  mãi về phía trước mà không ai biết nó sẽ kéo mình đi về đâu.

        Người đàn ông khi nẩy bổng xuất hiện ở đầu cầu thang. Hắn chỉ ngón tay vào chiếc đồng hồ đeo tay,  rồi ra dấu bảo Vinh bước xuống lầu.  Anh  gật  đầu,  tỏ  vẻ hiểu ý. Anh  đưa bàn tay phải lên,  hướng về phía khán đài và vẩy chào nhè nhẹ, như vẩy chào từ biệt một người thân trong giây phút ngậm ngùi chia tay.  Anh quay lưng,  thọc hai tay vào túi quần,  chầm chậm bước xuống thang lầu,  bước chân anh bổng trở nên nặng nề, mệt mỏi như không muốn bước tiếp nữa.  Ra đến cổng trường,  người  đàn ông kéo cánh cổng sắt lại, tiếng bánh xe kêu ken két như tiếng xe lửa bắt đầu lăn bánh. Cánh  cửa  vô tình đóng lại sau lưng,  như  đóng lại  một  đời người,  đóng lại một quá khứ đã hiện hữu nhưng đã phai tàn, đóng lại một thế giới mộng mơ, êm đẹp mà anh đã sống qua.

        Không biết lần sau nếu có dịp trở lại thăm trường xưa,  ai  biết  ngôi  trường  sẽ còn đứng đó nữa hay không?  Hay là ngôi trường sẽ vẫn còn đó,  nhưng  anh sẽ không trở lại nữa?  Trên đời nầy có gì là chắc chắn đâu?  Có gì là tồn tại mãi mãi muôn đời đâu?  Nào ai biết được chuyện gì sẽ xảy  đến  cho  mình  ngày  hôm  sau?  Anh  thầm  biết ơn  ngôi trường xưa, đã ôm ấp anh, đã cho anh sống những tháng ngày học sinh vô tư, hạnh phúc, bình an.  Biết ơn các thầy cô đã tận tâm dạy dỗ,  đào  tạo  trí  thức cũng như đạo đức cho anh.  Cám  ơn  các  bạn  học đã cùng đồng hành với anh trong những năm dài trau dồi trí tuệ.

        Vinh  quay  đầu lại nhìn ngôi trường lần cuối rồi nói nhỏ trong miệng:  “Good  bye, my friend!”  Anh đưa mắt nhìn quanh,  giơ tay quắc người tài xế xe ôm khi nãy,  mà bây giờ vẫn còn đứng bên kia đường như đang chờ đợi ai:  “Anh cho tôi về Phước Hải nhé!”

Đặng Quân, tháng 6 năm 2017

Viết thư cho Đặng Quân, xin nhấn vào ĐÂY.

Copyright © 2008-2019 www.ducducbienhoa.com. All Rights Reserved.